Về việc xác định chi phí khấu hao được trừ trong thời gian tạm dừng để sửa chữa, Cục Thuế tỉnh Hà Nam đã có Công văn 2562/CTHNA-TTHT hướng dẫn về chi phí khấu hao tài sản cố định, cụ thể như sau:
Căn cứ khoản 1; tiết a, tiết i, điểm 2.2, khoản 2, Điều 6 Thông tư 78/2014/TT- BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
- Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:
- a) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
- e) Một số trường hợp cụ thể được xác định như sau:
– Trường hợp tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 09 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Doanh nghiệp phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu.”
Xác định chi phí khấu hao TSCĐ được trừ khi tạm dừng để sửa chữa (Ảnh minh họa)
Căn cứ các quy định nêu trên, chi phí khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp được hướng dẫn như sau:
– Đối với nhà xưởng đang hoạt động sau sau đó tạm dừng để sửa chữa và tiếp tục sử dụng sau khi sửa chữa: Trường hợp phân xưởng 1 của Công ty đang dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa, hoàn tất quá trình sửa chữa lại đưa vào hoạt động (thời gian tạm dừng để sửa chữa không quá 09 tháng) thì:
Chi phí khấu hao trong thời gian dừng hoạt động để sửa chữa của phân xưởng 01 được trừ vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu các khoản chi phí trên đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC.
– Đối với trường hợp sửa chữa nhà xưởng đang không sử dụng, sửa chữa xong lại tiếp tục không sử dụng (phân xưởng số 02 và phân xưởng số 03):
Phân xưởng số 2, 3 của Công ty dừng hoạt động từ tháng 11/2021; Công ty thực hiện việc sửa chữa và bảo trì hai phân xưởng trên từ tháng 01/2024 đến tháng 08/2024 (08 tháng).
Trường hợp sau khi sửa chữa, hai phân xưởng trên tiếp tục chưa đưa vào sử dụng thì chi phí khấu hao tài sản cố định của 2 phân xưởng trên trong thời gian tạm dừng để sửa chữa không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN do không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, theo quy định tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC.