Cơ quan Thuế cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để rà soát hành vi trốn thuế, gian lận liên quan đến các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế, đặc biệt là Paypal.
Tổng cục Thuế vừa có văn bản gửi Cục Thuế các địa phương để triển khai đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam của Bộ Tài chính. Trong đó, yêu cầu Cục Thuế các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Cụ thể, Tổng cục Thuế yêu cầu thực hiện rà soát, phân loại, theo dõi và cập nhật thông tin các công ty đang tổ chức hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn.
Trong đó, việc quản lý sẽ được thực hiện theo các đối tượng cụ thể, bao gồm doanh nghiệp có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple, Amazon…); doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng trực tiếp; doanh nghiệp kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến (Booking.com, Agoda…).
Đối tượng quản lý cũng bao gồm các doanh nghiệp chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của nhà thầu nước ngoài; doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Shoppe…); doanh nghiệp điều hành các app trung gian thanh toán (VNPay; Airpay; Napas…) và các app trung gian vận chuyển như (Grab, Now, Baemin…).
Đáng chú ý, tại văn bản này, Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế các địa phương tăng cường rà soát để ngăn ngừa các giao dịch qua cổng thanh toán quốc tế không phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là Paypal.
Cụ thể, Cục Thuế các địa phương cần tăng cường rà soát, phối hợp với các Cơ quan chức năng để phát hiện hành vi kê khai, nộp thuế chưa đúng quy định, phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế nói chung và Paypal nói riêng. Từ đó có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Để ngăn ngừa các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế (có liên quan đến Paypal), trước đó, NHNN đã yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ trong nước, văn phòng đại diện các tổ chức thẻ quốc tế tại Việt Nam, phối hợp, trao đổi, nghiên cứu các biện pháp nhận diện giao dịch liên quan Paypal, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để thu thập thông tin doanh nghiệp, thu nhập, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành các nền tảng trực tuyến như Facebook, Google, YouTube…
Thực hiện tổng hợp, rà soát, đối chiếu thông tin dữ liệu các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tham gia sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến, có phát sinh thu nhập từ tổ chức nước ngoài với thông tin quản lý thuế để kịp thời xác định các trường hợp có phát sinh nghĩa vụ kê khai nộp thuế nhưng chưa thực hiện.
Từ các biện pháp này, Tổng cục Thuế yêu cầu tăng cường, bổ sung các trường hợp thanh tra, kiểm tra các tổ chức tại Việt Nam có tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giao dịch, hợp tác và sử dụng các dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến do các đơn vị nước ngoài cung cấp.