1. Kế toán thuế là gì?
Kế toán thuế là người phụ trách các công việc xoay quanh hóa đơn, chứng từ, việc kê khai, khai báo thuế trong doanh nghiệp. Họ được xem là cầu nối tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Không chỉ giúp doanh nghiệp triển khai việc kinh doanh một cách ổn định, đảm bảo thực hiện báo cáo thuế đầy đủ, rõ ràng, minh bạch mà còn giúp Nhà nước có thể quản lý nền kinh tế dễ dàng, hiệu quả hơn.
2. Mô tả công việc của kế toán thuế
Trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, công việc của kế toán thuế luôn được triển khai một cách liên tục và liền mạch.
2.1 Công việc hàng ngày
Trách nhiệm của kế toán thuế mỗi ngày là kiểm tra, thu thập và xử lý các đơn hàng phát sinh để làm căn cứ thực hiện hạch toán, kê khai rồi đưa thông tin vào hệ thống để phục vụ mục đích tổng hợp kết quả kinh doanh sau này. Những công việc cần xử lý hàng ngày bao gồm:
– Kiểm tra tính hợp lệ của các thông tin được cung cấp trên hóa đơn, nhằm đảm bảo tính chính xác và trùng khớp so với các chứng từ khác.
– Thu thập, nhập thông tin giá trị gia tăng đầu ra và đầu vào trên hóa đơn vào hệ thống.
– Hạch toán các nghiệp vụ có liên quan đến dòng tiền đang lưu chuyển bên trong công ty.
– Hạch toán những nghiệp vụ về quỹ tiền mặt và quỹ tiền gửi.
– Xử lý, sắp xếp và lưu trữ các hóa đơn, chứng từ một cách logic, hợp lý để có thể dễ dàng tìm kiếm khi cần.
– Kiểm tra thời hạn nộp của các loại thuế để đảm bảo không gặp phải trường hợp quên hoặc nộp trễ.
2.2 Công việc hàng tuần
Hàng tuần, các kế toán làm việc tại phần hành này cần tổng hợp toàn bộ các nghiệp vụ phát sinh để lập báo cáo cho cấp trên. Cụ thể:
– Cung cấp giấy tờ, thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh trong tuần theo yêu cầu của cấp trên.
– Xử lý các hóa đơn không hợp lệ và tham mưu cho ban quản lý các cách giải quyết, hướng đi đúng, hợp pháp.
2.3 Công việc hàng tháng
Công việc hàng tháng của kế toán thuế thường được thực hiện vào cuối tháng này hoặc đầu tháng tiếp theo, bao gồm:
– Xác định các loại thuế cần kê khai theo tháng như thuế thu nhập cá nhân (đối với cá nhân có thu nhập từ 50 triệu đồng), thuế giá trị gia tăng (đối với doanh nghiệp có doanh thu từ 50 tỷ đồng) để đưa ra được phương án giải quyết hiệu quả, nhanh chóng và kịp thời.
– Tính khấu hao tài sản, phân phối nguồn chi phí, dụng cụ, công cụ vào mỗi tháng.
– Rà soát hợp đồng lao động, kiểm tra số lượng nhân viên mới. Sau đó, đăng ký mã số thuế cá nhân cho người lao động.
– Lập báo cáo tổng hợp về thuế giá trị gia tăng đầu vào của công ty và phân loại theo tỷ lệ phân bổ của đầu ra đã được khấu trừ. Lập báo cáo tổng hợp thuế giá trị gia tăng đầu ra và phân loại theo thuế suất. Đóng chứng từ báo cáo thuế của toàn công ty, cơ sở.
2.4 Công việc hàng quý
– Lập báo cáo tình hình thuế giá trị gia tăng.
– Lập báo cáo thuế thu nhập cá nhân (trong trường hợp người lao động có tiền lương trên 50 triệu đồng).
– Lập báo cáo tình hình sử dụng các loại hóa đơn bị hư hỏng hoặc hóa đơn đã sử dụng.
Lưu ý: Báo cáo cần được hoàn thành rồi nộp lên cơ quan chức năng (hạn chót là ngày 30 của tháng đầu tiên ở quý tiếp theo). Trường hợp nộp chậm sẽ chịu xử phạt theo các quy định của cơ quan Thuế.
2.5 Công việc hàng năm
Cuối năm chính là thời điểm bận nhất của kế toán thuế. Họ cần tiến hành rất nhiều công việc nhằm mục đích tính toán số tiền thuế cần phải nộp một cách chính xác nhất. Các công việc này bao gồm:
– Kiểm tra tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn đã trùng khớp với kết quả của quá trình kê khai vào máy hay chưa.
– Kiểm tra các sai sót (có thể có) trong báo cáo tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh để đưa ra hướng xử lý, phương án khắc phục kịp thời. Ngoài ra, cần cân đối các tài khoản kế toán, đảm bảo việc lên báo cáo tài chính được chuẩn xác.
– Hoàn thành sổ sách, lập các báo cáo tài chính một cách hoàn chỉnh, hợp lý và hợp pháp.
– Tính toán khoản tiền thuế công ty cần nộp và tiến hành việc nộp thuế trong vòng 90 ngày của năm tiếp theo.
– In các loại sổ sách cần thiết như: phiếu thu/chi, số tiền gửi ngân hàng, số tiền trong quỹ tiền mặt, Sổ cái các tài khoản,… để hỗ trợ cho khâu quyết toán thuế.
3. Trách nhiệm của kế toán thuế đối với doanh nghiệp
Ngoài các nhiệm vụ được chia sẻ ở phần mô tả công việc nêu trên, nhân viên làm việc tại vị trí này còn có những trách nhiệm sau đây đối với doanh nghiệp:
– Cần phải làm việc trực tiếp với cơ quan Thuế khi có các vấn đề phát sinh.
– Tiến hành kiểm tra, đối chiếu hóa đơn giá trị gia tăng với bảng kê thuế đầu ra, đầu vào.
– Tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin bảng kê khai hồ sơ xuất khẩu.
– Theo dõi tình hình tồn đọng, nộp ngân sách và hoàn thuế của đơn vị.
– Lập báo cáo tổng hợp về thuế theo định kỳ, đôi khi là đột xuất.
– Kiểm tra tình hình sử dụng hóa đơn thuế và báo cáo lên Cục Thuế.
– Lập bảng thống kê danh sách lưu trữ, bảo quản, giữ gìn hóa đơn thuế giá trị gia tăng theo thời gian, không để xảy ra tình trạng thất thoát, hư hỏng.
– Theo dõi và cập nhật các chính sách, thông tin mới về luật thuế có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời.
– Luôn chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc bảo mật.
– Kiểm tra, đối chiếu các biên bản nhận, trả hàng để tiến hành điều chỉnh doanh thu và báo cáo thuế khi có phát sinh một cách kịp thời.
4. Quyền hạn của kế toán thuế là gì?
– Đề xuất hướng xử lý cho các trường hợp hóa đơn cần được thanh hủy hoặc tùy chỉnh theo quy định của Luật Thuế hiện hành.
– Thực hiện đánh giá, nhận xét khi phát hiện có sự chênh lệch về số liệu giữa quyết toán và báo cáo thuế.
– Làm việc, tương tác, tạo mối quan hệ với các đơn vị thuộc nội bộ của doanh nghiệp trong phạm vi trách nhiệm của bản thân để có thể đảm bảo hoàn thành công tác thật tốt.
– Nhận, trao đổi thông tin, hướng dẫn bộ phận kế toán cơ sở nội bộ thực hiện kê khai báo cáo thuế theo đúng quy định.
– Chỉ khi có sự cho phép của kế toán trưởng hoặc ban giám đốc mới được phép cung cấp các số liệu có liên quan đến nghiệp vụ do bản thân phụ trách.
5. Yêu cầu tuyển dụng kế toán thuế
5.1 Về trình độ học vấn
Để ứng tuyển vào vị trí này, trước tiên, bạn cần có bằng đại học, đã tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, kế toán. Bên cạnh đó, có chứng chỉ CPA, CPO sẽ là một điểm cộng lớn.
5.2 Về kinh nghiệm làm việc
Nhìn chung, các doanh nghiệp thường ưu tiên người đã có từ 1 – 2 năm kinh nghiệm làm việc tại vị trí kế toán thuế, kế toán tổng hợp hay các vị trí tương đương. Bên cạnh đó, ứng viên cần có sự am hiểu nhất định về các kiến thức luật thuế, kế toán, tài chính doanh nghiệp, Nhà nước, thực hành thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng (đặc biệt là Excel).
5.3 Về kỹ năng
Một ứng viên đạt yêu cầu là người đảm bảo được các kỹ năng sau đây:
– Luôn thấu hiểu, nhạy bén đối với các con số.
– Kỹ năng giao tiếp khéo léo, làm việc nhóm tốt.
– Có khả năng quản lý thời gian tốt dưới áp lực làm việc cao.
– Có kỹ năng thương lượng, đàm phán giỏi.
6. Thu nhập của kế toán thuế hiện nay bao nhiêu?
Cũng giống như bất kỳ công việc nào khác, mức lương của nhân viên kế toán thuế không thống nhất mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tính chất, khối lượng công việc, tình hình tài chính, quy mô của công ty, năng lực của người ứng tuyển,…
Nhìn chung, thu nhập của kế toán thuế hiện nay được đánh giá là khá cao, thường dao động trong khoảng từ 7 – 20 triệu đồng/tháng.
7. Con đường thăng tiến của kế toán thuế
Công việc kế toán thuế được đánh giá là có cơ hội nghề nghiệp khá rộng mở, con đường thăng tiến rõ ràng. Bởi đây là một trong các vị trí quan trọng, không thể thiếu trong hầu hết các doanh nghiệp hiện nay, giúp đơn vị tránh được trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về việc báo cáo thuế, đảm bảo sự ổn định trong suốt quá trình hoạt động.
Nếu có chuyên môn, năng lực làm việc, kỹ năng tốt, biết cố gắng, phấn đấu trong công việc thì cơ hội để bạn thăng tiến từ kế toán thuế lên kế toán tổng hợp đến vị trí kế toán trưởng và cuối cùng lên vị trí giám đốc tài chính là điều hoàn toàn có thể.